Lễ Vu Lan bắt nguồn từ một câu chuyện trong Phật giáo, được ghi chép trong kinh Vu Lan Bồn. Theo kinh này, lễ Vu Lan có từ thời Đức Phật, khi Ngài chỉ dạy phương pháp báo hiếu cho cha mẹ không chỉ trong đời này mà còn trong nhiều kiếp sau. Người đầu tiên lĩnh hội lời dạy đó là Tôn giả Mục Kiền Liên – một trong mười đại đệ tử xuất sắc của Đức Phật.
Trong kinh Vu Lan Bồn có kể rằng, sau khi tu thành chính quả, Bồ Tát Mục Kiền Liên nhớ đến mẹ và dùng tuệ nhãn tìm kiếm khắp nơi. Ngài phát hiện mẹ mình, bà Thanh Đề, đang chịu khổ trong cõi ngạ quỷ, bị hành hạ bởi cơn đói khát triền miên.
Thương mẹ, Ngài dùng thần thông mang bát cơm dâng mẹ, nhưng do lòng tham và nghiệp lực quá nặng, khi bà đưa cơm lên miệng, cơm lập tức hóa thành lửa. Không thể tự cứu mẹ, Mục Kiền Liên quay về thỉnh giáo Đức Phật.
Đức Phật dạy rằng dù có thần thông đến đâu, Ngài cũng không thể tự mình cứu mẹ, mà cần nhờ đến sự hợp lực của chư tăng. Sau ba tháng an cư kiết hạ, chư tăng đồng lòng chú nguyện mới có thể hóa giải nghiệp lực, giúp mẹ thoát khỏi cảnh khổ.
Nghe theo lời Phật dạy, Tôn giả Mục Kiền Liên đã thành tâm sắm sửa lễ cúng dường và cung thỉnh chư Tăng vào ngày rằm tháng 7 âm lịch. Nhờ vậy, mẹ Ngài được giải thoát. Nhân dịp này, Đức Phật cũng khuyến khích mọi người muốn báo hiếu cha mẹ thì nên thực hành theo cách này. Từ đó, Lễ Vu Lan ra đời và trở thành ngày lễ tri ân công ơn sinh thành, dưỡng dục.